Xung đột biên giới Nga – Thanh
Xung đột biên giới Nga – Thanh

Xung đột biên giới Nga – Thanh

Xung đột biên giới Nga - Thanh (1652 - 1689) là một loạt các vụ đụng độ vũ trang giữa nhà Thanh, với sự trợ giúp từ nhà Triều TiênSa quốc Nga, tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở phía bắc sông Amur. Giao tranh lên đến đỉnh điểm với cuộc vây hãm pháo đài Albazin vào năm 1685 và 1686–1687. Cuộc xung đột kết thúc với việc ký kết Điều ước Nerchinsk vào năm 1689, phân định biên giới giữa nhà Thanh và Nga. Vào những năm 1640, người Nga đã đến được lưu vực Amur trong quá trình chinh phục vùng Siberia và Viễn Đông, và từ năm 1643 đã bắt đầu quá trình thuộc địa hóa nơi đây. Hành động này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhà Thanh. Người Mãn quyết định đánh đuổi người Nga khỏi vùng Amur và xung đột nổ ra vào năm 1652. Đến năm 1658, nhà Thanh đã di dời hầu hết các bộ lạc địa phương ở thượng nguồn và trung lưu sông Amur về phía nam xuống sông Nộn và Tùng Hoa, đồng thời đánh tan quân Nga trên sông Amur. Trong một khoảng thời gian dài, không có lực lượng có tổ chức nào kiểm soát vùng Amur.Sau một vài năm, người Nga quay trở lại và vào năm 1665, xây dựng Albazin trên thượng nguồn sông Amur và bắt đầu định cư trong khu vực. Đồng thời, Nga cố gắng đàm phán với nhà Thanh, cử một số phái đoàn ngoại giao trong những năm 1650 - 1670 với mục đích thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại, nhưng vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết.Sau khi Loạn Tam phiên kết thúc vào năm 1681, người Mãn tập trung lực lượng để chống lại Nga. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, nhà Thanh phát động một cuộc tấn công về phía bắc. Năm 1683, quân Thanh xây dựng một cứ điểm ở trung lưu sông Amur, cũng như phá hủy các pháo đài của Nga gần đó trên sông Zeya. Năm 1685, quân Thanh hành quân đến Albazin, phá hủy pháo đài, sau đó quay trở lại phía nam. Người Nga nhanh chóng xây dựng lại nơi đây. Khang Hy ra lệnh cho một cuộc tấn công mới. Tháng 5 năm 1686, quân Thanh mở cuộc tấn công thứ hai vào Albazin. Lần này, người Nga đã chuẩn bị tốt hơn nhiều, củng cố các tuyến phòng thủ và kiên trì chiến đấu cho đến giữa năm 1687, khi Khang Hy kết thúc cuộc vây hãm và lựa chọn đàm phán ngoại giao. Đồng thời - dưới áp lực của nhà Thanh - trong những năm 1685–1688, các thành trì của Nga ở Ngoại Baikal đã bị Mông Cổ tấn công nhiều lần.Sa hoàng cử Fyodor Golovin đến đàm phán hòa bình vào năm 1686, và gặp gỡ các đại diện của nhà Thanh ở Nerchinsk vào tháng 8 năm 1689. Người Mãn đã tuyên bố chủ quyền tới tận hồ Baikal với lý do từng thuộc về nhà Nguyên. Người Nga đề xuất một biên giới trên sông Amur. Nhà Thanh sử dụng ưu thế quân sự để gây áp lực, buộc Nga phải chấp nhận hầu hết các yêu sách của mình. Cuối cùng, hai bên đồng ý một biên giới trên một dãy núi phía bắc sông Amur. Điều ước Nerchinsk cũng bao gồm một số các quy tắc về vấn đề thương mại.